Trong quá trình tìm kiếm việc làm, phỏng vấn là bước quan trọng giúp các fresher có cơ hội chứng tỏ khả năng và trình độ của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thức và chuẩn bị cho buổi phỏng vấn một cách hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 sai lầm phổ biến mà các fresher thường mắc phải trong quá trình lần đầu đi phỏng vấn và làm sao để khắc phục những sai lầm ấy.
Nội Dung Bài Viết
Fresher là ai?
Thuật ngữ “Fresher” được sử dụng để chỉ những người mới tốt nghiệp hoặc mới bắt đầu tham gia làm việc trong một lĩnh vực cụ thể. Thường thì, các “fresher” này sẽ phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt và học hỏi rất nhiều để có thể phát triển và đóng góp tốt nhất cho công việc của mình.
Fresher lần đầu đi phỏng vấn xin việc sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ
Tuy nhiên, việc trở thành một “fresher” không có nghĩa là bạn sẽ bị giới hạn khả năng của bản thân, thay vào đó đây sẽ là cơ hội để bạn học hỏi, hoàn thiện và ngày càng trưởng thành, phát triển trong tương lai.
Đối với ngành Giáo dục, một “fresher” ắt hẳn sẽ có nhiều áp lực hơn những ngành nghề khác, bởi kỹ năng phỏng vấn, kinh nghiệm – chuyên môn là hai điều luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhưng cũng đừng vội mà nản bạn nhé, bởi “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chúng ta càng trẻ, chúng ta càng có nhiều cơ hội để trải nghiệm, luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công.
Chính vì thế, ấn tượng trong buổi phỏng vấn luôn là yếu tố quan trọng để quyết định bạn có ghi điểm trong mắt của Nhà tuyển dụng hay không. Hãy cùng theo dõi 5 sai lầm phổ biến mà Fresher mắc phải khi lần đầu đi phỏng vấn nhé!
Thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố rất quan trọng trong lần đầu đi phỏng vấn
Sai lầm thứ nhất mà các bạn Fresher hay mắc phải chính là không chuẩn bị đầy đủ các thông tin cơ bản cần thiết trước khi lần đầu đi phỏng vấn. Những thông tin đó bao gồm:
- Thông tin về công ty: tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và đặc biệt là định hướng của công ty trong tương lai
- Thông tin về vị trí ứng tuyển: mô tả công việc, yêu cầu công việc, vai trò và các kỹ năng phỏng vấn cần có để đáp ứng cho vị trí tuyển dụng.
- Thông tin về quy định, chính sách công ty: ngỡ như không quan trọng nhưng cực kỳ cần thiết, việc tìm hiểu những thông tin ấy sẽ giúp bạn nắm bắt và dễ dàng trao đổi về những phúc lợi mà công ty có thể cung cấp cho bạn.
- Thông tin về bản thân: chắc chắn Nhà tuyển dụng đã xem xét hồ sơ (CV) của bạn trước khi vào buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, đứng về vị trí của Nhà tuyển dụng, họ vẫn sẽ muốn bạn tóm gọn sơ lược về bản thân, nhưng phải thật khác biệt so với hồ sơ mà bạn ứng tuyển. Hãy chuẩn bị một vài câu mở, một vài câu nối, không quá dài nhưng đủ để thể hiện tính cách và lập trường của mình.
- Thông tin về người phỏng vấn (nếu có): thông thường bạn sẽ nhận được một email xác nhận phỏng vấn, trong đó sẽ có thông tin người gửi và người phỏng vấn, hãy tìm hiểu kỹ nếu có thể để chuẩn bị thật tốt khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc bạn nhé.
Khi chúng ta thiếu sự kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị, bạn sẽ gặp phải một trong những hệ quả sau đây:
- Mất tự tin: Những câu hỏi bất ngờ từ Nhà tuyển dụng, sự lắp bắp và không trôi chảy trong câu trả lời đủ để bạn cảm thấy lo lắng và bất an khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc.
- Mất cơ hội: Một khi sự tự tin không còn, cơ hội dường như bị vụt tắt. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn chưa phù hợp với vị trí ứng tuyển. Từ đó, mong muốn, đam mê của bạn đối với ngành Giáo dục, hình ảnh người thầy cô đầy uy lực đứng trên bục giảng từ đó cũng sẽ dần biến mất.
Chính vì thế, việc chuẩn bị kỹ lưỡng các thông tin cơ bản cần thiết trước khi bước vào cuộc phỏng vấn đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Bạn có thể gặp phải những câu hỏi ngoài ngành, những ánh mắt “nghiêm trọng” từ nhà tuyển dụng nhìn về phía bạn, hay vô vàn các lí do khác đang sẵn sàng chống lại sự thành công của bạn. Nhưng đừng lo, vì khi bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi chỉ có duy nhất một lời khuyên dành cho bạn “Be yourself”
Thiếu sự tương tác cần thiết
Sai lầm thứ hai mà các bạn Fresher hay mắc phải khi lần đầu đi phỏng vấn là sự tương tác cần thiết với Nhà tuyển dụng. Việc thiếu tương tác dẫn đến sự giao tiếp giữa hai bên không đạt được hiệu quả, từ đó dẫn đến những hiểu lầm không đáng có và làm giảm cơ hội của bạn cho vị trí mà bạn ứng tuyển. Sự tương tác ở đây có thể bao hàm rất nhiều yếu tố.
Sự tương tác là điều rất cần thiết khi Fresher lần đầu đi phỏng vấn
Đặt câu hỏi
Khi chúng ta bước vào một cuộc phỏng vấn, dù là “fresher” hay “Junior”, việc của chúng ta lúc bấy giờ chính là “sale” bản thân. Nhà tuyển dụng đóng vai trò là người đặt câu hỏi, và bạn ngoài việc trả lời thật tốt những câu hỏi ấy, hãy đề cập với họ về việc bạn có thể làm được những gì cho họ và họ có thể cung cấp những gì cho bạn để sự hợp tác giữa hai bên diễn ra thật suôn sẻ và chuyên nghiệp nhất. Sự cung cấp ở đây không nhất thiết phải liên quan đến mặt vật chất, mà còn là giá trị tinh thần để bạn được đóng góp hết mình vào sự phát triển chung của hai bên.
Những câu hỏi phù hợp mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Công ty có chính sách hỗ trợ đào tạo hay phát triển kỹ năng cho nhân viên không?
- Anh/chị có thể cho em biết thêm về các tiêu chí đánh giá ứng viên cho vị trí tuyển dụng này?
- Anh/chị có thể cho em biết thêm về lộ trình thăng tiến tại công ty mình hay không?
- Không biết công ty mình có hay tổ chức các hoạt động team building nội bộ do nhân viên cùng nhau chuẩn bị không ạ?
- Em có thể lắng nghe thêm ý kiến từ anh/chị về CV ứng tuyển của em không ạ?
Trả lời câu hỏi
Trong quá trình phỏng vấn, việc trả lời câu hỏi là một phần rất quan trọng để Nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực và cách ứng xử của ứng viên. Tuy nhiên, phần lớn các Fresher thường mắc phải một số sai lầm như trả lời quá nhanh, quá chậm hoặc không đủ ý.
Nếu trả lời câu hỏi đưa ra quá nhanh, ứng viên có thể bỏ qua một số chi tiết quan trọng hoặc đưa ra câu trả lời chưa chính xác. Nếu trả lời câu hỏi quá chậm hoặc không đủ ý, ứng viên có thể làm nhà tuyển dụng cảm thấy mất thời gian và không đánh được năng lực thực sự của bạn.
Bên cạnh đó, nhiều Fresher không tự tin với kinh nghiệm và khả năng của bản thân, khiến cho câu trả lời của họ trở nên không thuyết phục. Vì vậy ngoài việc chuẩn bị các câu hỏi cơ bản cho buổi lần đầu đi phỏng vấn, hãy luôn tự tin vào chính bản thân của mình, và chỉ tập trung trả lời những ý chính trong câu hỏi của Nhà tuyển dụng, tránh tình trạng lang man, lạc đề từ đó gây nên ấn tượng không tốt.
Một số câu hỏi từ nhà tuyển dụng mà bạn có thể tham khảo:
- Hãy cho chúng tôi biết về kinh nghiệm làm việc của bạn?
- Tại sao bạn lại quan tâm đến vị trí này?
- Bạn nghĩ mình có những kỹ năng gì phù hợp với công việc này?
- Hãy cho chúng tôi biết về những điểm mạnh và điểm yếu của bạn?
- Bạn đã từng gặp phải một tình huống khó khăn trong công việc trước đây chưa và bạn làm thế nào để giải quyết nó?
- Bạn có thể đưa ra ví dụ về một dự án mà bạn đã hoàn thành thành công trong quá khứ?
- Bạn muốn đạt được những kết quả gì trong công việc này?
Dưới đây là một số tình huống hỏi-đáp mà bạn có thể tham khảo:
-
Câu hỏi: Tại sao bạn muốn trở thành giáo viên?
-> Câu trả lời mẫu: Tôi muốn trở thành giáo viên vì tôi tin rằng Giáo dục có thể thay đổi cuộc đời của các em học sinh. Tôi muốn giúp các em phát huy tối đa khả năng của mình và trở thành những người đóng góp tích cực vào lợi ích xã hội cũng như tương lai đất nước.
-
Câu hỏi: Bạn đã có kinh nghiệm giảng dạy trước đây chưa?
-> Câu trả lời mẫu: Tuy là sinh viên mới ra trường, nhưng trong quá trình học tập tôi đã có kinh nghiệm giảng dạy tại lớp gia sư dạy kèm nhỏ trong vòng 1 năm. Trong thời gian đó, công việc chính của tôi là hướng dẫn và dạy học các em học sinh (từ lớp 3 đến lớp 5) những kiến thức cơ bản đến nâng cao, cũng như hỗ trợ các em trong quá trình chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
-
Câu hỏi: Bạn đã từng đối mặt với các thách thức khi dạy học chưa?
-> Câu trả lời mẫu: Tất nhiên, trong quá trình giảng dạy tôi đã gặp phải nhiều thách thức khác nhau. Ví dụ như việc quản lí lớp học và giải quyết xung đột giữa các em học sinh. Tuy nhiên, tôi không có nguyên tắc nào cụ thể cho các trường hợp ở trên, tùy vào tính cách và tình hình chung tại mỗi lớp học, tôi sẽ có cách xoay chuyển riêng để giữ trật tự trong lớp cũng như giải quyết các vấn đề mâu thuẫn (đương nhiên) xảy ra giữa các học sinh.
Thiếu sự chủ động
Một ứng viên thành công không chỉ cần sự chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn, mà còn phải có thái độ chủ động và lịch sự trước, trong và sau buổi phỏng vấn.
Sau khi nhận được email mời phỏng vấn, việc đầu tiên bạn cần làm là xác nhận lại thông tin về thời gian, địa điểm và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc thay đổi nào, bạn nên nhanh chóng liên hệ trực tiếp hoặc phản hồi lại email để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời.
Fresher thường thiếu sự chủ động khi lần đầu đi phỏng vấn
Trong ngày diễn ra buổi phỏng vấn, bạn nên sắp xếp công việc hợp lí và đến sớm trước 10-15 phút để có đủ thời gian chuẩn bị tâm lý. Bên cạnh đó, tác phong ăn mặc lịch sự, gọn gàng cũng là yếu tố quan trọng không kém.
Khi đến công ty, hãy chào hỏi và làm quen với những người tiếp đón, nhân viên bảo vệ hoặc lễ tân, để tạo dựng mối quan hệ thân thiện và giảm bớt căng thẳng cho buổi phỏng vấn.
Trong suốt quá trình phỏng vấn xin việc, bạn nên thể hiện sự chủ động và tự tin bằng cách trả lời các câu hỏi của Nhà tuyển dụng một cách rõ ràng, thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt và tinh thần làm việc nhóm. Ngoài ra, bạn có thể đưa ra các ý kiến hoặc đề xuất của bản thân để ghi điểm với Nhà tuyển dụng.
Sau khi phỏng vấn xong, bạn nên gửi một email cảm ơn đến Nhà tuyển dụng để thể hiện lòng tôn trọng và sự quan tâm đến công việc mình đang ứng tuyển. Trong email, nên cảm ơn nhà tuyển dụng về thời gian họ dành cho buổi phỏng vấn và tỏ ý muốn được hợp tác trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để bạn thêm bất kỳ thông tin hoặc tài liệu nào có liên quan đến công việc mà bạn muốn Nhà tuyển dụng biết đến.
Kết luận:
Ông bà ta ngày xưa có câu “Vạn sự khởi đầu nan”, không có thành công nào mà không vượt qua gian nan thử thách. Có thể hôm nay các bạn là những “Fresher” mới chập chững vào nghề, nhưng 1 năm, 2 năm hay nhiều năm sau nữa, nếu tiếp tục theo đuổi ước mơ và đam mê của mình, chắc chắn những cố gắng và nỗ lực từ bây giờ, sẽ được bù đắp xứng đáng trong tương lai. Hãy cùng theo dõi vieclamgiaoduc để đón xem các bài viết mới nhất nhé!