Trợ giảng là người sẽ hỗ trợ giáo viên, hoặc giảng viên đại học trong các việc cơ bản như quản lý lớp, kiểm soát sỉ số, giải đáp thắc mắc của học viên,… Để làm được nghề này, bạn cần đáp ứng được các yêu cầu cũng như kỹ năng cơ bản cần thiết. Để biết rõ hơn nhưng yêu cầu, kỹ năng cần có của nghề trợ giảng, mời bạn đọc cùng Vieclamgiaoduc theo dõi ngay bài viết dưới đây!
Nghề Trợ giảng yêu cầu gì về kinh nghiệm và kỹ năng cần có – Nguồn ảnh: Pexels
Nội Dung Bài Viết
Trợ giảng là gì
Trợ giảng là người hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. Nhiệm vụ của một người trợ giảng đó là hỗ trợ quản lý lớp, tư vấn giải đáp cho học sinh, chuẩn bị tài liệu, và thực hiện các công việc hỗ trợ khác nhằm giúp giáo viên tập trung hơn vào quá trình dạy học. Trợ giảng có thể là sinh viên đang theo học, nhân viên hỗ trợ giáo dục hoặc người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Yêu cầu nghề nghiệp
Nhiệm vụ
Trước khi buổi học bắt đầu:
- Tìm hiểu chi tiết về lớp học như số lượng học viên, lịch học và năng lực cá nhân của từng học viên.
- Chuẩn bị giáo án, tài liệu, bài giảng và thiết bị cần thiết cho giáo viên.
Trong quá trình giảng dạy:
- Giám sát hoạt động của học viên.
- Hỗ trợ giáo viên giải đáp thắc mắc của học sinh
- Thường xuyên trao đổi với giáo viên về khó khăn và vướng mắc của học viên để đưa ra giải pháp phù hợp.
- Đánh giá sự tiến bộ cũng như thái độ học tập của học viên.
- Giữ cho lớp học an toàn và sạch sẽ.
Công việc nổi bật
Khả năng cần có
Để hỗ trợ giảng viên, người trợ giảng cần có tính kiên nhẫn, biết khống chế cảm xúc. Đồng thời, bạn cần có khả năng nhanh nhạy, linh hoạt và một chút sôi nổi, hoạt bát để vực dậy tinh thần của học viên. Cuối cùng, nhiệt tình, vui vẻ, hoà đồng thân thiện với học viên, với nhân viên của cơ sở đào tạo là một đức tính, khả năng mà người trợ giảng cần có.
Kiến thức chuyên ngành
Để hướng dẫn môn học một cách chất lượng và hiệu quả, người trợ giảng cần phải hiểu rõ kiến thức cơ bản của môn học đó. Đồng thời, cũng cần có kiến thức tổng quát về các môn liên quan trong chuyên ngành đào tạo. Hơn nữa, để công tác hướng dẫn đạt hiệu quả cao nhất, trợ giảng cần nắm vững kiến thức về tâm lý của học sinh và sinh viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sự hiểu bài và tiếp thu kiến thức.
Kỹ năng (nghiệp vụ, kỹ năng mềm,…)
Kỹ năng cơ bản
Người trợ giảng cần rèn luyện các kỹ năng cơ bản sau:
- Giải quyết vấn đề: Kỹ năng giải quyết vấn đề chính là khả năng tìm ra các giải pháp hiệu quả khi đối mặt với những khó khăn, thách thức hay vấn đề trong quá trình giảng dạy.
- Tương tác và giao tiếp: Nắm vững kỹ năng tương tác và giao tiếp trong môi trường giáo dục, biết cách tương tác tích cực với học viên.
- Tin học văn phòng: Sử dụng thành thạo kỹ năng tin học văn phòng để quản lý thông tin học viên và tài liệu liên quan đến giảng dạy.
Kỹ năng nghiệp vụ
Đối với kỹ năng nghiệp vụ, trợ giảng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Kỹ năng sư phạm: Có hiểu biết về kỹ thuật giảng dạy và phương pháp sư phạm, áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo.
- Hiểu tâm lý học sinh: Có kỹ năng thấu hiểu tâm lý của học viên và kỹ năng hỗ trợ cá nhân hóa trong quá trình giảng dạy.
- Ứng dụng thiết bị tương tác: Linh hoạt trong việc ứng dụng và sử dụng các thiết bị để hỗ trợ và làm phong phú thêm cho bài giảng của thầy cô.
- Kinh nghiệm giảng dạy: Đã có kinh nghiệm làm gia sư hoặc đứng lớp, có khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tế giảng dạy.
Tham khảo: tin tuyển dụng việc làm Trợ Giảng Tiếng Anh
Công cụ nghề nghiệp
Máy móc, thiết bị
Bao gồm máy tính, điện thoại di động, máy chiếu, micro và các thiết bị khác giúp nâng cao trải nghiệm giảng dạy và tương tác với học viên.
Công cụ phần mềm
Sử dụng các phần mềm văn phòng cơ bản như Word, Excel, PowerPoint và Google Docs để tối ưu hóa quá trình xử lý thông tin và tài liệu liên quan đến giảng dạy.
Nhóm MBTI nào phù hợp với công việc trợ giảng
Người trợ giảng thường có tính cách, phẩm chất của các nhóm MBTI như sau:
- ENFP – Người truyền cảm hứng: Người thuộc nhóm này có tính cách năng động, khả năng sáng tạo cao và biết cách để truyền cảm hứng, niềm say mê thích thú đến người khác. Do đó, trong khi làm trợ giảng, nhóm người này sẽ phát huy rất tốt năng lực, phẩm chất của mình để giúp học viên thích thú trong việc học tập.
- ISFJ – Người nuôi dưỡng: Nhóm người này có xu hướng thích bao bọc, chở che và nuôi dưỡng, quan tâm đến người khác. Do đó, khi chọn công việc trợ giảng, họ sẽ có cơ hội để phát triển hết những phẩm chất, tính cách này, giúp tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Trợ giảng thi khối nào
Ưu tiên tuyển dụng sinh viên từ các ngành như Sư phạm,… Tuy nhiên, nếu bạn thuộc ngành khác nhưng có kiến thức sâu rộng về môn học và đam mê giảng dạy, bạn vẫn có cơ hội ứng tuyển vào vị trí trợ giảng.
Lương trợ giảng
Theo quy định hiện hành, chức danh nghề nghiệp trợ giảng (hạng III) áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, nằm trong khoảng từ hệ số 2,34 đến hệ số 4,98, theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 04/2019/TT-BNV. Tính đến tháng 7 năm 2023, theo Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở sẽ thay đổi lên thành 1.800.000 đồng/tháng. Khi đó, trợ giảng sẽ nhận mức lương từ 4.212.000 đồng/tháng đến 8.964.000 đồng/tháng.
Đối với trợ giảng cho các trung tâm Ngoại ngữ, mức lương này không dựa trên quy định của Pháp luật mà sẽ do trợ giảng và trung tâm trao đổi thỏa thuận. Do đó, nếu không phải là trợ giảng đại học, bạn nên hỏi kỹ trung tâm tiếng anh về cách tính lương để có thông tin chính xác nhất.
Hy vọng những chia sẻ, đúc kết trên đây của Vieclamgiaoduc đã giúp những ai yêu thích và mong muốn thử sức với nghề trợ giảng cảm thấy tự tin hơn. Đừng quên theo dõi thêm những bài viết khác của chúng tôi để có thêm thật nhiều những thông tin bổ ích khác bạn nhé!